Những bài học “sống còn” khi đi du lịch Tây Nguyên bạn nên biết
Tây Nguyên vùng đất chứa đựng những câu chuyện huyền bí, thú vị với kho tàng lễ hội truyền thống vô cùng đặc sắc và không gian văn hóa cồng chiêng đậm nét, nơi có phong cảnh thiên nhiên vừa hoang sơ và hùng vĩ, lại vừa thơ mộng, hữu tình dễ làm xao xuyến lòng người. Nếu bạn là một tín đồ du lịch đam mê khám phá và trải nghiệm những điều mới mẻ thì Tây Nguyên hứa hẹn là một điểm đến bạn không nên bỏ lỡ trong chuyến hành trình vượt thời gian của mình. Và với bài viết sau đây, Halobay xin phép được chia sẻ những bài học “sống còn” khi đi du lịch Tây Nguyên để bạn có những kỉ niệm đẹp về vùng đất nhiều nắng và gió này nha.
Nên đi du lịch Tây Nguyên mấy ngày là đủ?
Xét về vị trí địa lý, Tây Nguyên là một trong 3 vùng của miền Trung - Việt Nam, vùng Tây Nguyên bao gồm 5 tỉnh: Kon Tum, Gia Lai, Đắk Lắk, Đắk Nông và Lâm Đồng. Mỗi một tỉnh thành lại có danh lam thắng cảnh, phong cảnh thiên nhiên cùng nền tảng văn hóa độc đáo và riêng biệt. Có thể nói rằng để khám phá trọn vẹn vẻ đẹp của Tây Nguyên thì có lẽ không bao giờ là đủ. Tuy nhiên, nếu điều kiện về mặt thời gian và kinh tế có hạn thì bạn chỉ cần dành 1-2 ngày ở mỗi tỉnh thành là có thể tận hưởng những nét đặc trưng nhất rồi.
Nên tìm hiểu về văn hóa uống rượu một cách kĩ càng
Người ta có câu “đến Tây Nguyên mà không uống rượu cần thì coi như chưa tới Tây Nguyên” nhưng bạn biết không mỗi dân tộc ở Tây Nguyên lại có văn hóa uống rượu cần khác nhau mà du khách cần tìm hiểu kĩ càng để có thể hòa nhịp cùng cuộc sống của người bản địa.
Bạn nên tìm hiểu về văn hóa uống rượu của mỗi dân tộc khi đi du lịch Tây Nguyên
Người Xê Đăng uống rượu như thế nào?
Đối với người Xê Đăng, họ bẻ một thanh nứa nhỏ đặt ngang lên miệng, ở giữa thanh nứa lại bẻ một cọng nhỏ gập xuống mặt nước khoảng chừng 2-3 đốt ngón tay gọi là keang. Uống hết một keang là được tiếp thêm nước. Trước khi vào cuộc, chủ nhà hoặc chủ lễ đọc lời khấn xin phép các Yàng, sau đó họ sẽ uống đầu tiên (lần lượt theo thứ tự già trẻ, lớn bé, nam nữ). Nếu có khách, người đó được mời cầm cần đầu tiên, khách nên mời lại già làng và chủ lễ uống trước, sau đó mới đến mình.
Văn hóa uống rượu của người HRê
Người HRê thì khác, chủ nhà rút một cọng tranh trên mái nhận vào ché để mời các Yàng và tổ tiên uống trước, rồi đổ thêm nước cho đầy ché. Nếu nước đổ đầy tận miệng ghè là chủ nhà hết sức tôn trọng khách quý. Còn nếu nước chỉ đổ lưng chừng thì đó chỉ là những khách bình thường. Bạn chú ý rằng vị khách nào đáng trọng nhất, được đưa mời trước bằng tay trái, và tuyệt đối không vô ý vơ luôn cả cần của chủ nhà vì nó thể hiện sự khiêu khích, khinh rẻ gia chủ.
Những người khách đáp lễ, cùng hút một ngụm, nhổ đi và nếu chủ nhà muốn mời người khách nào uống nhiều hơn, ông sẽ xin phép đổi cần rượu của mình cho khách. Họ đổ thêm bao nhiêu vào ché, khách phải uống riêng cho hết phần đó để thể hiện sự quý mến nhau.
Người Êđê có văn hóa uống rượu khác hơn
Người Êđê có tục lệ cứ một cuộc rượu cần nào cũng cử ra một người điều hành, gọi là “gai pe”. Gai pe có nhiệm vụ mời ai uống trước, uống sau theo thứ tự già trẻ, nữ nam và sau cùng mới là người khách quan trọng nhất có mặt ở buổi lễ. Cần rượu được gai pe uống một ngụm rồi nhổ đi, sau đó đưa mời người khác. Cứ thế chiếc cần chỉ được truyền từ tay này sang tay khác, mà không được để rời ra, và nếu không uống thì dùng ngón tay cái bịt đầu cần.
Du khách là người được mời sẽ uống một vài hơi rồi hút ra các ống nứa hoặc ly, đưa mời những người cao tuổi hoặc phụ nữ.
Người Mnông cho rằng tất cả mọi người có măt đều lần lượt uống thử một ngụm trước, sau đó mới theo thứ bậc chủ khách, già trẻ, nam nữ….
Nên chú ý những phong tục tập quán đặc biệt của mỗi dân tộc trước khi đến?
Khi đi vào các buôn làng để tìm hiểu văn hóa lối sống của đồng bào nơi đây, bạn nên dành nhiều thời gian để tìm hiểu về phong tục tập quán ở mỗi dân tộc, những điều cấm kị, những điều nên làm để có thể gây được thiện cảm với người dân cũng như tránh gặp những phiền toái. Bạn cũng có thể tìm một người hướng dẫn viên là người bản địa để được cung cấp các thông tin cần thiết cũng là một cách tôn trọng anh em đồng bào nơi đây.
Tìm hiểu kĩ phong tục tập quán đặc trưng của mỗi dân tộc trước khi khám phá buôn làng
Ví dụ nhà của người Êđê có hai cầu thang, một là cầu thang “cái” được dành riêng cho phụ nữ và khách quý. Đặc điểm của cầu thang này là có đỉnh được đẽo giống như mũi con tàu, bên dưới có một vầng trăng khuyết và bộ ngực phụ nữ biểu thị cho chế độ mẫu hệ. Còn cầu thang “đực” thường nhỏ hơn và được đặt cách xa phía bên trái dành cho những người đàn ông, và thường bậc của hai loại cầu thang trên có số lẻ: 3,5,7.
Đặc biệt hơn, nếu bạn muốn biết gia đình nào có bao nhiêu con gái, hãy nhìn vào số lượng cửa sổ ( bao nhiêu cửa sổ thì có bấy nhiêu con gái). Cửa sổ đóng kín nghĩa là cô gái ấy chưa “lấy chồng”, còn cửa sổ nào mở rộng có nghĩa là cô gái ấy đã “lấy chồng”.
Chuẩn bị trang phục phù hợp với mỗi điểm đến
Tây Nguyên là một vùng có nhiều đường dốc đồi núi khúc khuỷu nên khi di chuyển bạn nên mang theo giày thấp, mềm và có nhiều gai để bám chắc. Còn khi leo núi, bạn nên đi 2 đôi vớ, 1 vớ mỏng bên trong (không phải vớ ni lông) và 1 đôi vớ dài bên ngoài để trùm lên quần tránh muỗi. Việc sử dụng 2 đôi vớ cũng sẽ giảm độ cọ của giày và chân, tránh làm phồng rộp da chân.
Nón, dù, kem chống côn trùng là những đồ vật không thể thiếu khi đến Tây Nguyên
Về quần áo, bạn nên ưu tiên đem quần Jeans vì nó phù hợp với địa hình gồ ghề và gió ở Tây Nguyên Đối với các bạn nữ thì nên mang các loại váy rộng rãi và sắc màu rực rỡ vì khi chụp ảnh lưu niệm sẽ rất nổi bật với phong cảnh thiên nhiên hoang sơ ở nơi đây. Nếu bạn chọn áo phông thì nên mang loại rộng rãi thoải mái, thấm hút mồ hôi, giản dị, cần tránh những áo có in khẩu hiệu nếu muốn khám phá sâu cuộc sống của người dân Tây Nguyên.
Quần jean và áo phông là trang phục được khuyên nên mặc khi đến Tây Nguyên
Một điều nữa là nếu bạn đi du lịch Tây Nguyên vào mùa hè hay mùa thu cùng đừng quên mang khăn và áo khoác gió, vì đặc thù địa hình ở đây mang lại sự chênh lệch lớn về nhiệt giữa bạn ngày và ban đêm, và lúc nào cũng khá nhiều gió.
Không nên mang quá nhiều đồ trên người nhưng phải đủ dùng
Khi đi du lịch, bạn có xu hướng mang quá nhiều đồ nhưng đôi khi điều này không thực sự cần thiết nhất là đối với địa hình nhiều đồi núi như ở Tây Nguyên. Ngoài một chiếc máy ảnh, bản đồ và đồ đạc dự phòng, bạn nên mang theo dụng cụ như áo mưa và dù vì các tỉnh Tây Nguyên thường xuất hiện những cơn mưa đột ngột. Đường đi ở Tây Nguyên khá hẹp và nhiều đèo dốc nên bạn cần chú ý tốc độ, tầm nhìn và cẩn thận với xe khác đi ngược chiều hay chạy ẩu.
Tất nhiên, bạn nên mang đầy đủ giấy tờ xe cũng như các giấy tờ tùy thân khác, chấp hành đúng luật giao thông đường bộ, chạy đúng tốc độ quy định.
Các vật phẩm như kem, thuốc để ngừa và trị vết cắn của côn trùng, băng gạc, thuốc hạ sốt hay trị đau bụng cũng là những thứ không thể thiếu được trong hành trang của mình khi di chuyển. Nếu bạn có dự định cắm trại qua đêm thì cần mang theo lều, mùng mền, túi ngủ và đồ ăn nhanh cần thiết nha.
Một vài lưu ý khác khi đi du lịch Tây Nguyên
Khám phá cuộc sống của đồng bào các dân tộc là một phần trong mục đích của chuyến đi, tuy nhiên bạn nên chú ý không đi sâu vào nương rẫy, rừng sâu của dân địa phương.
Bạn cũng chú ý giữ gìn vệ sinh chung và không xả rác bừa bãi dù đi bất cứ đâu để thể hiện sự gìn giữ và bảo vệ môi trường thiên nhiên trong xanh mát lành. Trước khi có dự định cắm trại và đốt lửa, bạn cần hỏi ý kiến của trưởng làng chứ không được tùy ý. Bạn cũng nhớ là đừng trêu trọc voi quá đà vì người dân cho rằng như vậy là không tôn trọng họ nha.
Trước khi dự định cắm trại và đốt lửa bạn hãy hỏi ý kiến của người dân bản địa nha
Trên đây là những bài học “xương máu” bạn cần khắc cốt ghi tâm trước khi lên kế hoạch khám phá mảnh đất Tây Nguyên trùng điệp mà Halobay muốn nhắn nhủ đến bạn. Halobay chúc bạn có những kỉ niệm đáng nhớ bên cạnh gia đình và bạn bè nha.